Phòng tránh Chó cắn

Phòng vệ

Chó nuôi giữ nhà thường là loại dữ và khôn lanh. Nó không thích và thường tấn công người ăn mặc luộm thuộm, tóc nhuộm, đi dép lẹp xẹp, giọng nói âm lượng lớn. Khi sắp xông vào ai, chó thường nhìn thẳng vào mắt người đó, thân chồm về trước, nhe răng, gầm gừ… Chúng biết con người hay dùng tay, chân để chống trả nên trước tiên chó thường cắn tay, chân của nạn nhân, kế đến là cổ. Khi sắp bị chó tấn công thì nên đứng im, đừng bỏ chạy, còn bị tấn công thì không nên chống trả, bởi bản tính hung dữ, nếu bị đối phương kháng cự thì chó càng dữ tợn, cắn mạnh. Hãy nhanh chóng nằm úp mặt xuống đất, hai bàn tay đan xen để sau cổ, khuỷu tay che kín tai để không bị ảnh hưởng nhiều đến các bộ phận quan trọng của cơ thể.

Không được động đậy, đồng thời hãy la to kêu cứu. Hoặc nếu có bức tường thì đứng im, mặt úp và dựa người vào tường. Nếu gần đó có cây cối thì nhanh chóng trèo lên. Trường hợp biết bơi, nếu có hồ nước thì nhảy xuống. Những cách trên chỉ hạn chế thương tật do bị chó tấn công. Ngoài ra có thể kêu đại tên của chúng chẳng hạn như ky, lu, nich, giôn..., nếu kêu đúng tên, nó sẽ tạm thời khựng lại. Muốn cứu một người đang bị chó tấn công thì phải thật bình tĩnh. Tìm một đoạn cây cứng, vừa giả vờ tấn công chó, vừa lùi chậm về sau. Cách này nhằm mục đích thu hút chó về phía mình để người bị chó cắn có thời gian thoát thân[23].

Phòng ngừa

Bài chi tiết: Chó dại

Những con chó ngoại nhập thường rất dễ phản chủ, tức là cắn luôn cả chủ và những người trong nhà hay hàng xóm nếu không tìm hiểu và nuôi dạy đúng cách, do đó khi nuôi cần cần tìm hiểu về giống chó đó từ tính tình cha mẹ, ông bà nó và cuối cùng, phải hiểu tính tình con chó mình đang nuôi. Tuy rằng những giống chó dữ đã được nhân giống sàng lọc để tính tình hiền hơn, thích hợp với cuộc sống con người hiện nay. Một số giống chó đã hiền hơn rất nhiều so với tổ tiên của nó, nhưng bản năng vẫn còn tiềm ẩn, bản năng hung dữ của chúng có thể trỗi dậy bất ngờ nếu bị đánh thức hay bị kích thích.[24]

Biện pháp quan trọng là các gia đình có vật nuôi trong nhà cần hết sức cẩn trọng, súc vật phải được tiêm chủng đầy đủ, có rọ mõm an toàn và luôn trong tầm kiểm soát của chủ. Đối tượng trẻ nhỏ cần luôn được người lớn trông nom, chăm sóc cẩn thận, không được để các bé ở một mình, dù bất cứ khi nào, ở đâu, kể cả trong thời gian ngắn.[4] Cần có những quy định của pháp luật để điều chỉnh hoạt động nuôi chó, mèo và các vật nuôi khác, đặc biệt là các loại thú vật hung dữ. Chủ nuôi chó phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư, khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải đeo rọ mõm…[24]

Sơ cứu

Một vết cắn do chó gây ra

Nếu có con bị chó cắn, việc đầu tiên cần làm là đưa ngay bé tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất. Vết chó cắn cực kỳ nguy hiểm, nhất là chó đi lạc. Cũng không được xem thường nếu con chó đó là vật nuôi trong nhà vì chúng vẫn mang một lượng bệnh và mầm bệnh trong miệng. Điều quan trọng trước tiên là làm sạch vết thương do chó cắn.[25]

Đầu tiên là đưa nạn nhân rời xa ra khỏi con chó và theo dõi con chó đó trong thời gian từ 7 đến 15 ngày,[26] nên giữ, nhốt con chó lại để theo dõi, không nên giết ngay con chó vì sẽ làm mất khả năng theo dõi. Sơ cứu vết thương bằng cách rửa vết cắn với nước xà phòng, người sơ cứu phải chú ý đeo găng tay và dùng bàn chải cọ khi rửa. Có thể sát khuẩn tại chỗ bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn để rửa vết thương, dùng băng bó lại vết thương và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.[26]

Các trường hợp phải tiêm vaccine phòng bệnh dại cho nạn nhân khi con chó cắn bị nghi ngờ mắc bệnh dại hoặc biết chắc chắn con chó cắn là chó dại. Các trường hợp bị chó cắn vào vùng đầu, mặt, cổ, bàn tay hoặc bị nhiều vết cắn cũng được khuyến cáo tiêm vaccine phòng bệnh dại.[2] Tuy nhiên không nhất thiết khi bị chó cắn là phải tiêm phòng mà cần theo dõi con chó đó.

Những thông tin y khoa của Wikipedia tiếng Việt chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế ý kiến chuyên môn.
Trước khi sử dụng những thông tin này, đề nghị liên hệ và nhận sự tư vấn của các bác sĩ chuyên môn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chó cắn http://www.dlg.nsw.gov.au/Files/Information/Compar... http://dogbitesinformationandstatistics.blogspot.c... http://www.dogbitelaw.com/Dog%20Attacks%201982%20t... http://www.dogbitelaw.com/PAGES/statistics.html http://channel.nationalgeographic.com/series/dog-w... http://www.cdc.gov/ncipc/duip/biteprevention.htm http://www.independent.ie/national-news/city-counc... http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/be-2-th... http://www.akc.org/reg/dogreg_stats.cfm http://web.archive.org/web/20090304025320/http://w...